Phát triển nguồn nhân lực giáo dục Việt Nam trong kỷ nguyên số

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tác động tới mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Thực tế này đòi hỏi nguồn nhân lực giáo dục Việt Nam phải có sự thay đổi căn bản về tầm nhìn, nội dung cũng như cách tiếp cận trước sự đổi mới không ngừng của xã hội. Bài viết nhận diện những thách thức đặt ra đối với nền giáo dục Việt Nam trong kỷ nguyên số, đề xuất một số giải pháp, nhằm phát triển nguồn nhân lực giáo dục Việt Nam trong kỷ nguyên số.

Ngoài những tác động đa chiều, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) còn làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu lao động và thị trường lao động. Các hệ thống tự động hóa sẽ thay thế dần lao động thủ công trong toàn bộ nền kinh tế, máy móc và trí tuệ nhân tạo thay thế sức người, nhu cầu sử dụng nhân lực trình độ cao tăng lên trong khi nhu cầu sử dụng lao động kỹ năng thấp ngày càng giảm. Điều này sẽ tạo áp lực lớn đối với thị trường lao động nhất là các quốc gia đang phát triển sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa lao động, gia tăng thất nghiệp.

Theo dự báo, "trong một số lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot, số lượng nhân viên sẽ giảm đi còn 1/10 so với hiện nay, theo đó, 9/10 nhân lực còn lại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp. Cuối năm 2015, Ngân hàng Anh quốc đã đưa ra dự báo, sẽ có khoảng 95 triệu lao động truyền thống bị mất việc trong vòng 10 - 20 năm tới; Hàng loạt nghề nghiệp cũ sẽ mất đi, thị trường lao động tại quốc gia này cũng như quốc tế sẽ phân hóa mạnh mẽ giữa nhóm lao động có kỹ năng thấp và nhóm lao động có kỹ năng cao. Lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh của các thị trường mới nổi ở khu vực Mỹ La-tinh và châu Á. Đặc biệt, cuộc CMCN 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu như họ không được trang bị những kỹ năng mới - kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0.

Thách thức đặt ra đối với nguồn nhân lực giáo dục Việt Nam

Theo dự báo của các chuyên gia, dưới tác động của những đột phá về công nghệ từ cuộc CMCN 4.0, trong tương lai không xa, nhiều lao động trong các ngành, nghề của Việt Nam có thể sẽ thất nghiệp, trong đó bao gồm cả đội ngũ lao động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. CMCN 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa, vật lý, sinh học với trung tâm. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, Robot, công nghệ Nano, công nghệ sinh học… đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, tạo ra nhiều cơ hội rất lớn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho mỗi quốc gia. Xu thế này cũng tác động đến Việt Nam trên mọi lĩnh vực, khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục là một trong những đối tượng chịu sự tác động mạnh mẽ và trực tiếp từ cuộc cách mạng này.

Nhân tố quyết định việc vận dụng và phát triển khoa học và công nghệ 4.0 không phải là nguồn lực tài chính, hệ thống máy móc thiết bị, lại càng không phải điều kiện tự nhiên, lịch sử văn hóa mà là nguồn lực con người và thể chế. Theo đó, đầu tàu chính là nguồn nhân lực giáo dục, vừa giữ vai trò định hướng, vừa giữ vai trò động lực thúc đẩy xây dựng và phát triển khoa học công nghệ và công nghiệp quốc gia. Nếu nguồn nhân lực giáo dục không tích cực, chủ động, tận dụng và nắm bắt thì cơ hội sẽ vụt mất, sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu.

 Thực tế đã chỉ ra, dù đã đóng góp vào sự phát triển của đất nước, nhưng trên bình diện chung, đội ngũ nhân lực giáo dục Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên số. Việt Nam đang thiếu hụt các nhà khoa học, chuyên gia trình độ cao, đội ngũ quản lý, nhà kinh doanh giỏi, công nhân lành nghề trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

 Sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, hành chính, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đã, đang tạo nên những thách thức không nhỏ đối với nguồn nhân lực giáo dục Việt Nam. Minh chứng là thị trường đào tạo ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt không chỉ giữa các trường với nhau mà còn có sự cạnh tranh với chính những đơn vị sử dụng lao động. Xu hướng "chảy máu chất xám" ngày càng diễn ra mạnh mẽ và gia tăng trong nền giáo dục hiện đại, nhất là khi sự phân hóa thị trường lao động diễn ra trên toàn cầu, sự cạnh tranh về nguồn lao động chất lượng cao diễn ra trên phạm vi xuyên quốc gia.

Sự thay đổi mang tính hiện đại của nền giáo dục Việt Nam trong kỷ nguyên số cũng đòi hỏi đội ngũ giảng viên, giáo viên phải thay đổi để bắt kịp xu thế, nếu không thay đổi sẽ bị tụt hậu và có nguy cơ thất nghiệp. Với kỷ nguyên số, người học sẽ thay đổi, sinh viên và học viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp có quyền nhiều hơn trong chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội, người học cảm nhận được cuộc sống nhanh hơn, liên tưởng nhanh hơn giữa kiến thức hàn lâm với thực tiễn cuộc sống. Không những thế, người học cũng dễ dàng truy cập vào kho dữ liệu khổng lồ, các thông tin được mở rộng, có cơ hội tương tác, kết nối không chỉ với giảng viên mà còn tương tác với các chuyên gia trong và ngoài nước, việc người học tiếp cận với các học giả nổi tiếng ngày càng dễ dàng hơn thông qua một cái nhấp chuột trên mạng xã hội.

Mặt khác, công tác quản lý nhà nước, quy hoạch, kế hoạch định hướng phát triển nguồn nhân lực của các ngành, nhất là nguồn nhân lực giáo dục hiện nay vẫn còn rời rạc, manh mún và thiếu đồng bộ. Công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội cũng hạn chế; cơ cấu đào tạo theo ngành, nghề, trình độ đào tạo không được quy hoạch lâu dài. Các cơ sở đào tạo không đủ thông tin về cung - cầu lao động nên việc xây dựng ngành, nghề, chỉ tiêu và trình độ đào tạo hàng năm không sát thực tế. Bên cạnh đó, việc sử dụng lao động chưa thực hiện theo nguyên tắc đúng người, đúng việc, đúng chuyên môn. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ lao động, nhất là lao động trình độ cao hiện nay cũng chưa tương xứng với tay nghề và sức sáng tạo của họ.

Tóm lại, trong kỷ nguyên số, mọi thứ sẽ thay đổi, kiến thức giáo dục trở nên vô tận, chính vì vậy, nhân lực giáo dục (gồm cả các giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục) thời công nghệ 4.0 phải không ngừng học hỏi, đổi mới để nâng cao, bổ sung kiến thức; Phải là người hướng dẫn, định hướng, trao đổi nhiều hơn với người học, theo dõi, giám sát cũng như chịu trách nhiệm về tiến bộ của người học, biết quan tâm nhu cầu thực sự của người học, biết tạo động lực và hỗ trợ người học đi tìm tri thức phù hợp cho bản thân.

Bình luận
Trung tâm Giao dịch Công nghệ thông tin & Truyền thông Hà Nội (HITTC)
Cơ quan chủ quản: Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội
Địa Chỉ: 185 Giảng Võ - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: (024) 35121430. Fax:(024) 35121486
Email: Phongkdptdv@gmail.com ; hotro@hanoiwork.vn
Lượt truy cập: Số người đang xem:
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

Đăng ký để nhận tin tức từ chúng tôi và hơn thế nữa!

© 2018 http://hanoiwork.vn. All rights reserved.