Nguồn nhân lực vẫn thiếu kỹ năng mềm

Đội ngũ lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn thiếu các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, thái độ làm việc…. Tình trạng thiếu kỹ năng mềm cũng xuất hiện ở nhóm lao động đến từ khu vực Nhà nước.

Đây là kết quả từ báo cáo “Nhu cầu kỹ năng lao động trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài” do Viện Khoa học lao động và xã hội (ILSSA) và tập đoàn Manpower thực hiện được công bố ngày 6-3.

Chương trình được tiến hành nghiên cứu, khảo sát tại 100 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thuộc sáu tỉnh miền nam và bắc trong năm 2013 thuộc ba ngành: hàng tiêu dùng, điện tử, lắp ráp ô-tô - xe máy.

Nghiên cứu cho thấy, trong số các kỹ năng lao động, kỹ năng tổng quát (tương tự kỹ năng mềm) là nhóm kỹ năng mà người lao động Việt Nam còn thiếu hụt nhiều nhất. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá kỹ năng tổng quát và kỹ năng chuyên môn có tầm quan trọng ngang nhau trong quyết định tuyển dụng của họ.

Khảo sát này cũng chỉ ra một khuynh hướng đáng báo động của một số doanh nghiệp FDI lấy lao động họ cần từ các doanh nghiệp cạnh tranh thay vì đầu tư vào đào tạo lao động. Điều này có thể tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh về lương khiến các công ty không muốn đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng lao động. Khảo sát cũng phát hiện nhiều giải pháp hay trong việc đào tạo nhân sự của các công ty nước ngoài, đặc biệt là việc phối hợp với các cơ sở đào tạo tại địa phương, có thể khuyến khích và nhân rộng.

Theo khảo sát của ILLSA - Manpower, kỹ năng chuyên môn và kỹ năng tổng quát (đặc biệt là thái độ làm việc, đáng tin cậy và kỹ năng giao tiếp) của cả lao động trực tiếp và nhân viên văn phòng có tầm quan trọng như nhau. Việt Nam tiếp tục duy trì được sức hấp dẫn với đầu tư nước ngoài nhưng trên cơ sở chi phí thấp/ kỹ năng giản đơn. Lợi thế này sẽ không kéo dài và sẽ tạo ra tác động xấu tới chất lượng lao động Việt Nam và nền kinh tế về lâu dài.

Từ đó, báo cáo khuyến nghị cần phát triển kỹ năng nghề tổng quát ở mọi cấp độ giáo dục, nên bắt đầu ngay ở bậc tiểu học và tiếp tục phát triển lên các cấp học cao hơn. Các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng quan hệ hợp tác giữa các trường dạy nghề và doanh nghiệp FDI, tạo điều kiện cho các giám đốc, kỹ sư, người lao động có kinh nghiệm từ các doanh nghiệp FDI tham gia xây dựng chương trình đào tạo nghề, góp ý biên soạn giáo trình giảng dạy để bảo đảm sự thống nhất giữa đào tạo và nhu cầu thị trường. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nên hợp tác với các cơ quan liên quan xây dựng chính sách pháp luật để tăng cường sự phối hợp giữa doanh nghiệp FDI và các cơ sở dạy nghề.

Bình luận
Trung tâm Giao dịch Công nghệ thông tin & Truyền thông Hà Nội (HITTC)
Cơ quan chủ quản: Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội
Địa Chỉ: 185 Giảng Võ - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: (024) 35121430. Fax:(024) 35121486
Email: Phongkdptdv@gmail.com ; hotro@hanoiwork.vn
Lượt truy cập: Số người đang xem:
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

Đăng ký để nhận tin tức từ chúng tôi và hơn thế nữa!

© 2018 http://hanoiwork.vn. All rights reserved.