Làm thế nào để đo hiệu quả quản trị nguồn nhân lực?

Con người vốn được coi là tài sản lớn của một tổ chức, doanh nghiệp nhưng sẽ trở thành gánh nặng nếu không được quản trị hiệu quả. Thực vậy, hoạt động của doanh nghiệp có được vận hành suôn sẻ hay không phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực. Thành công của doanh nghiệp cũng phụ thuộc rất nhiều vào việc tuyển dụng được những nhân tài tốt nhất cũng như tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp cho nhân viên để họ có thể yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Báo cáo “Nghiên cứu các xu hướng phúc lợi của nhân viên” dựa trên các cuộc khảo sát do Metlife, công ty bảo hiểm hàng đầu của Mỹ thực hiện liên tiếp nhiều năm cho thấy: Giữ lại nhân viên và quản lý chi phí là hai mục tiêu hàng đầu của các công ty. Hiện nay, các nhà quản trị doanh nghiệp rất quan tâm đến vấn đề cắt giảm chi phí quản lý đồng thời cải thiện hiệu suất làm việc và sự thỏa mãn trong công việc cho đội ngũ nhân viên. Đặc biệt trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, áp lực cạnh tranh và sự khan hiếm nguồn nhân lực càng khiến các doanh nghiệp phải kiểm soát chặt chẽ các chi phí đầu vào, tìm hiểu những vấn đề mà nhân viên quan tâm nhất để làm sao họ ở lại với doanh nghiệp dài lâu.

Làm thế nào để đo hiệu quả quản trị nguồn nhân lực?

Trước hết, các nhà quản trị cần xác định: Yếu tố nào giúp nhân viên gắn bó với doanh nghiệp? Ngoài lương bổng, có thể kể đến một số yếu tố quan trọng khác tác động đến lòng trung thành của nhân viên: Môi trường làm việc – Văn hóa doanh nghiệp; Cơ hội thăng tiến; Chế độ phúc lợi, bảo hiểm.

Tiếp đến, làm thế nào để cân bằng giữa mục tiêu tiết kiệm chi phí doanh nghiệp và gắn kết nhân viên với tổ chức của mình?

Theo các chuyên gia, tốt nhất doanh nghiệp nên xây dựng một bộ chỉ số quản trị nguồn nhân lực. CoreCentive – công ty tư vấn quản lý nguồn nhân lực cho rằng, để doanh nghiệp có thể đạ được các mục tiêu như trên, bộ phận quản lý nguồn nhân lực cần tập trung vào bốn phương diện:

- Tuyển dụng;
- Phân bổ nguồn nhân lực;
- Giữ lại nguồn nhân lực;
- Đào tạo và phát triển nhân viên

Các vấn đề trên sẽ được đo lường bằng các chỉ số, như:

- Chỉ số tuyển dụng giúp doanh nghiệp định lượng kết quả làm việc của các nhân viên mới, tỷ lệ nhân viên nghỉ việc và hiệu quả của việc đầu tư cho tuyển dụng nhân sự mới.
- Các chỉ số phân bổ nguồn nhân lực giúp doanh nghiệp đánh giá chi phí đầu tư cho một nhân viên mới, hiệu quả của việc tuyển dụng và chi phí thay thế một nhân viên.
- Các chỉ số về lòng trung thành của nhân viên sẽ giúp doanh nghiệp xác định tỷ lệ nhân viên nghỉ việc, thời gian làm việc trung bình của nhân viên và giá trị của các nhân viên hiện tại.
- Các chỉ số về đào tạo và phát triển doanh nghiệp giúp đo lường thời gian và chi phí đầu tư cho các hoạt động đào tạo và hiệu quả của các hoạt động này đối với việc thực hiện các mục tiêu của doanh nghiệp.

Bốn nhóm chỉ số trên được CoreCentive liệt kê chi tiết thành 13 chỉ số sau:

1. Tỷ lệ nhân viên vắng mặt

Chỉ số này cho biết số ngày nhân viên không đi làm. Đây là một thước đo đánh giá sự thỏa mãn của nhân viên trong công việc. Chỉ số này được tính như sau:
Số ngày vắng mặt trong tháng của nhân viên / (Số nhân viên trung bình trong tháng x Số ngày làm việc trung bình của tháng).

2. Chi phí dành cho phúc lợi

Chỉ số này giúp xác định chi phí các gói phúc lợi đầu tư cho nhân viên. Công thức tính: Tổng chi phí phúc lợi cho nhân viên / Tổng số nhân viên.

3. Chi phí phúc lợi trên chi phí lương

Xác định tỷ lệ % của chi phí phúc lợi so với chi phí lương, được tính như sau: Chi phí phúc lợi hằng năm / Chi phí lương hằng năm.

4. Chi phí dành cho một nhân viên mới

Doanh nghiệp cần xác định chi phí đầu tư cho một nhân viên mới. Cách tính như sau: Chi phí tuyển dụng / (Chi phí đền bù + Chi phí phúc lợi).

5. Tỷ lệ mục tiêu được hoàn thành

Là tỷ lệ phần trăm giữa số lượng các mục tiêu về kết quả làm việc đã đạt được và tổng số các mục tiêu về kết quả làm việc.

Làm thế nào để đo hiệu quả quản trị nguồn nhân lực?

6. Hiệu suất đầu tư (ROI)

Chỉ số này giúp đánh giá hiệu quả đầu tư cho từng nhân viên. Cách tính: (Tổng phúc lợi – Tổng chi phí) x 100.

7. Doanh thu tạo ra từ mỗi nhân viên

Chỉ số này đo lường khả năng tạo ra doanh thu cho công ty từ mỗi nhân viên. Công thức tính: Doanh thu / Tổng số nhân viên.

8. Mức độ thỏa mãn của nhân viên

Tỷ lệ này được thực hiện qua các cuộc khảo sát với các chỉ tiêu được lượng hóa cụ thể.

9. Thời gian làm việc trung bình

Doanh nghiệp có thể đo lường thời gian trung bình một nhân viên gắn bó với doanh nghiệp, được tính bằng số năm làm việc trung bình của tất cả các nhân viên.

10. Thời gian tuyển dụng

Công thức tính như sau: Tổng số ngày cần thiết để tuyển dụng xong một nhân viên / Số nhân viên được tuyển dụng.

11. Thời gian đào tạo phát triển

Chỉ số này thường được tính bằng tổng số giờ đào tạo chia tổng số nhân viên, giúp doanh nghiệp quản lý tốt hơn các chi phí đào tạo và phát triển nhân lực.

12. Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc

Có thể tính theo công thức sau: Tổng số nhân viên thôi việc trong một năm / Số nhân viên làm việc thực tế trung bình trong năm.

13. Chi phí do nhân viên nghỉ việc

Định lượng chi phí mà doanh nghiệp đã mất đi khi một nhân viên nghỉ việc. Chi phí thay thế, tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới cũng được cộng vào đây.

Bình luận
Trung tâm Giao dịch Công nghệ thông tin & Truyền thông Hà Nội (HITTC)
Cơ quan chủ quản: Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội
Địa Chỉ: 185 Giảng Võ - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: (024) 35121430. Fax:(024) 35121486
Email: Phongkdptdv@gmail.com ; hotro@hanoiwork.vn
Lượt truy cập: Số người đang xem:
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

Đăng ký để nhận tin tức từ chúng tôi và hơn thế nữa!

© 2018 http://hanoiwork.vn. All rights reserved.