Nguyễn Minh Hưng

Giải cơn khát nguồn nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không

Tình trạng "khát" nhân lực kỹ thuật cao của ngành hàng không được dự báo từ khá lâu khi tốc độ tăng trưởng của ngành này trong nhiều năm qua luôn duy trì 2 con số.

Phát triển "nóng" - đào tạo nhân lực chưa theo kịp

Theo ông Hồ Quốc Cường, Trưởng phòng Vận tải Hàng không (Cục Hàng không Việt Nam), trong giai đoạn 5 năm trở lại đây (2014-2018), thị trường hàng không chứng kiến sự tăng trưởng cao về số lượng hành khách và hàng hoá. Cụ thể, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhất toàn cầu trong một thập kỷ trở lại đây với sự tăng trưởng doanh thu trung bình là 17,4%, cao hơn 2 lần so với mức 7,9% của toàn châu Á. Điều này thể hiện nhu cầu vận tải hàng không rất cao của thị trường nội địa Việt Nam cũng như nhu cầu từ thị trường quốc tế đến Việt Nam.

Cùng với đó, mạng đường bay của các hãng hàng không trong nước đã mở rộng rất nhanh với sự tham gia của 5 hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar, Vasco và Bamboo Airways. Tại thị trường quốc tế, 71 hãng hàng không nước ngoài và các hãng hàng không trong nước đang khai thác 140 đường bay, kết nối Việt Nam tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các chuyên gia hàng không nhận định, một số hãng hàng không của Việt Nam thời gian qua có biểu hiện phát triển nóng, đặc biệt là phát triển đội tàu bay và mạng lưới bay trong khi chưa chuẩn bị các nguồn lực dẫn đến khủng hoảng thiếu nguồn nhân lực chuyên ngành kỹ thuật cao như phi công, thợ kỹ thuật tàu bay… Từ đó, xảy ra tình trạng cạnh tranh gay gắt nguồn nhân lực trong nội bộ ngành hàng không. Đến nay, cuộc chiến giành giật nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không càng gay gắt hơn khi có hãng hàng không mới gia nhập thị trường.

Ông Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cho rằng, việc thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ thuật cao có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Để giải bài toán này, Nhà nước cần có kế hoạch đào tạo phi công phù hợp với phát triển đội bay. Nhà nước có thể đầu tư vốn ban đầu cho một đơn vị đào tạo phi công và có quy định để các hãng hàng không góp vốn đào tạo. Phương thức xã hội hóa sẽ hiệu quả hơn và đáp ứng được nhu cầu nhân lực cho từng hãng, tránh được việc lôi kéo phi công của nhau.

Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nhân lực của ngành, Nhà nước nên kêu gọi các hãng hợp tác để sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt lực lượng phi công sao cho hiệu quả, an toàn. Nhà nước cũng nên dành thêm nguồn tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực về hàng không trong thời gian tới. Ngoài ra, Nhà nước có thể nghiên cứu hợp tác đào tạo nhân lực cho ngành hàng không với các đối tác nước ngoài.

Bình luận
Trung tâm Giao dịch Công nghệ thông tin & Truyền thông Hà Nội (HITTC)
Cơ quan chủ quản: Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội
Địa Chỉ: 185 Giảng Võ - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: (024) 35121430. Fax:(024) 35121486
Email: Phongkdptdv@gmail.com ; hotro@hanoiwork.vn
Lượt truy cập: Số người đang xem:
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

Đăng ký để nhận tin tức từ chúng tôi và hơn thế nữa!

© 2018 http://hanoiwork.vn. All rights reserved.